Hôm nay: Thứ 4, 01/05/2024 00:15

Xử lý amonium trong nước thải sinh hoạt – Những khó khăn thường gặp

Xử lý amonium trong nước thải sinh hoạt – Những khó khăn thường gặp

Chất lượng nước đầu vào:

Chất lượng nước đầu vào là yếu tố đầu tiên tác động trực tiếp đến quá trình xử lý amonium trong nước thải sinh hoạt (NTSH). NTSH là tổng hợp của một số nguồn nước như sau: NTSH nhà vệ sinh (nước đen), NTSH nhà bếp, NTSH tắm giặt (nước xám).

Tùy thuộc vào cách thức hoạt động của mỗi một đơn vị mà thành phần nước thải có thể khác nhau. Ví dụ: Nước thải sinh hoạt tại các nhà máy, xí nghiệp có đông công nhân thì chỉ số amonium (N-NH4) thường cao đến rất cao. Các đơn vị có nhà ăn hoặc bếp ăn sẽ có các chỉ số dầu mỡ, TDS vượt trội.

Tại Việt Nam, Việc sử dụng bể phốt làm cho nước thải sinh hoạt thường có chỉ số ni tơ, phốt pho cao hơn nhiều so với BOD điều này dẫn đến sự mất cân bằng về thành phần làm cho vi sinh vật hoạt động kém và kéo theo hệ quả là xử lý về Ni tơ sẽ kém đặc biệt là chuyển hóa chỉ số amonium (N-NH4).

Thiết bị công nghệ

Thiết bị công nghệ bao gồm hệ thống bể và các thiết bị đi kèm là yếu tố tiếp theo ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý amonium.

Lỗi công nghệ thường gặp nhất khiến amonium không được xử lý triệt để đó là tính toán thời gian lưu không phù hợp của nước thải tại pha hiếu khí và thiếu khí. Dẫn đến quá trình nitrat và khử nitrat không trọn vẹn. Ngoài ra còn một số lý do khác như:

  • Tính toán công năng các bể sai so với thông số đầu vào.
  • Công suất máy khí không đủ.
  • Hệ thống điều khiển không linh hoạt, khả năng điều hòa kém, các giai đoạn xử lý phối hợp không nhịp nhàng.

Kỹ thuật vận hành:

Kỹ thuật vận hành là yếu tố then chốt cuối cùng trong việc đảm bảo hiệu quả xử lý của một hệ thống. Ngoài việc tuân thủ đúng quy trình vận hành, kinh nghiệm, kỹ năng, sự am hiểu về chuyên môn của kỹ thuật viên sẽ giúp cho quá trình vận hành mượt mà trơn tru, tiết kiệm chi phí, tránh được các sự cố không cần thiết, trong trường hợp để xảy ra sự cố cũng dễ dàng khoanh vùng hạn chế thiệt hại.

Phần lớn các hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt vừa và nhỏ hiện nay hầu như đều không có bộ phận vận hành chuyên biệt. Sự bổ túc kiến thức về nước thải và vận hành hệ thống còn chưa được quan tâm đúng mức. Dẫn đến, hiệu quả xử lý thấp không được như kỳ vọng cho dù phần thiết bị công nghệ của hệ thống hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu vận hành xử lý.

Về công việc, một kỹ sư vận hành hệ thống xử lý nước thải thường phải thuần thục các công việc cơ bản sau:

  • Nắm rõ về hệ thống xử lý nước thải, sơ đồ thiết kế hệ thống, tình trạng vận hành của hệ thống và các vấn đề mà hệ thống xử lý nước thải đang gặp phải (nếu có).
  • Giám sát hệ thống điều khiển thiết bị, máy móc và tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị trong hệ thống xử lý nước thải.
  • Theo dõi sát quá trình xử lý, kiểm tra các thông số của hệ thống như pH, DO, độ kiềm, nhiệt độ… thường xuyên và xử lý khi có vấn đề hay sự cố phát sinh.
  • Lấy mẫu nước thải và phân tích các chỉ tiêu trong mẫu nước thải để đảm bảo nước thải đầu ra luôn đạt quy định Nhà nước.
  • Viết nhật ký vận hành để lưu lại quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải (mục đích để dễ tra cứu khi có phát sinh vấn đề hoặc cần chuyển giao cho người khác).
  • Và một số công việc liên quan khác tùy theo yêu cầu của từng hệ thống xử lý nước thải cụ thể.