Giới thiệu
Các hoá chất sử dụng tại các phòng thí nghiệm rất dễ bị bay hơi khi thực hiện các phản ứng hoá học, pha chế dung dịch, xử lý mẫu phân tích, tráng rửa dụng cụ và bảo quản, lưu giữ hoá chất. Các kết quả quan trắc môi trường trước đây tại một số phòng thí nghiệm cho thấy, nguồn khí thải có nhiều các chất vô cơ và hữu cơ độc hại gồm các hợp chất phốt pho, Cl-, NO3-, SO42-, metanol, butanol, cloroform, benzen, toluen, aceton, cyclohexan, dicloetan, ete…với nồng độ cao hơn giới hạn cho phép theo QCVN 19-2009/BTNMT; QCVN 20-2009/BTNMT về các chỉ tiêu hữu cơ và vô cơ. Kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí cho thấy không khí chứa các hợp chất trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người và trong nhiều trường hợp để lại những hậu quả lâu dài. Nhiều hợp chất hữu cơ và vô cơ khá độc đối với hệ thần kinh ngay cả ở nồng độ thấp, làm cho con người bị choáng váng, nhức đầu, tức ngực, buồn nôn, say ngây ngất thậm chí làm mất chức năng vận động… Metanol, butanol, phênol… đều có khả năng gây ngộ độc. Một số dung môi và thuốc thử có thể gây mê như các loại ete, cloroform, cacbon tetraclorua hoặc làm tổn thương màng niêm mạc mũi, họng, niêm mạc mắt như este n-butylaxetat, andehyt crotonic. Đặc biệt, các hợp chất chứa nhân thơm như benzen, pyridin, toluen… có thể gây bệnh hiểm nghèo như ung thư. Với đặc tính phức tạp, nguy hiểm nêu trên, công nghệ thu và xử lý khí thải từ phòng thí nghiệm cần phải là một hệ thống hoàn chỉnh từ khâu hút khí đến xử lý khí. Các công đoạn kết hợp hiệu quả các thiết bị thành phần có chức năng phù hợp với yêu cầu công nghệ, bổ trợ cho nhau trong quá trình hoạt động của toàn bộ hệ thống. Để giải quyết vấn đề trên công ty Cổ phần INVITEK đã phát triển công nghệ xử lý khí thải phòng thí nghiệm đạt hiệu quả cao, an toàn và tiết kiệm. Quy công nghệ xử lý khí được giới thiệu trong sơ đồ hình 1.
Hình 1. Sơ đồ công nghệ xử lý khí thải phòng thí nghiệm
Thuyết minh công nghệ
Khí thải từ các phòng thí nghiệm, xét nghiệm được dẫn từ đường ống đến hộp giảm âm lắng bụi. Hộp giảm âm lắng bụi có tác dụng giảm âm thanh gây ra do khí lưu thông trong đường ống với lưu lượng lớn. Ngoài ra một lượng bụi sẽ được lắng và lưu trong hộp tránh tác động lên bộ lọc than hoạt tính. Khí sau khi qua hộp giảm âm lắng bụi sẽ được quạt hút tổng được đặt phía sau hộp giảm âm hút và đưa sang tháp hấp phụ. Tháp hấp phụ có chứa than hoạt tính nhằm mục đích loại bỏ dung môi hữu cơ dễ bay hơi, mùi hôi thối có trong khí thải…Trong tháp hấp phụ than hoạt tính được tính toán và sử dụng với chủng loại, số lượng và cách bố trí phù hợp để tăng hiệu quả xử lý. Than hoạt tính được sử dụng và được thay thế định kỳ. Lượng than thải bỏ từ hệ thống được quản lý như chất thải rắn theo các quy định hiện hành. Khí sau khi được xử lý tại tháp hấp thụ tiếp tục được đưa qua tháp hấp phụ (tháp rửa khí). Tại đây diễn ra quá trình hấp thụ khí có tính axít một số hơi mùi và đặc biệt phá một số chất kháng sinh bằng độ pH cao trong dung dịch rửa khi tháp hấp phụ chưa xử lý triệt để. Tại tháp rửa khí, dung dịch rửa có với tính kiềm có tác dụng khử trùng diệt khuẩn sẽ rửa triệt để khí thải đạt tiêu chuân thải ra môi trường theo quy định hiện hành. Dung dịch rửa được chứa trong bể chứa của tháp rửa, được bơm tuần hoàn trong tháp rửa với sự hỗ trợ của vật liệu đệm phía trong nhằm tăng cường khá năng tiếp xúc giữa pha khí và nước. Nước trong bể được bổ sung và thêm hóa chất thường xuyên thông qua hệ thống bơm châm hóa chất. Nước thải được tháo vệ sinh định kỳ và thu gom về hệ thống xử lý nước thải.
Hình 2. Hệ thống xử lý khí thải phòng thí nghiệm
Ứng dụng:
• Xử lý khí thải phòng thí nghiệm,khoa xét nghiệm bệnh viện, trung tâm nghiên cứu,…
• Xử lý khí thải từ khu vực sản xuất phát sinh hóa chất nguy hại
Ưu điểm công nghệ:
• Xử lý khí thải đạt hiệu quả cao
• Chi phí đầu tư thấp, tiết kiệm chi phí xử lý
• Điều khiển tự động hoạt động ổn định và giảm công vận hành
• Hệ thống có cấu tạo gọn, diện tích chiếm chỗ ít