Hôm nay: Thứ 5, 21/11/2024 19:29

Hội thảo Xử lý Ni tơ và Phốt phát trong nước thải đô thị

Hội thảo Xử lý Ni tơ và Phốt phát trong nước thải đô thị
Ngày 30/3/2017, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo chuyên đề “Xử lý Nitơ, Phốt pho trong nước thải đô thị ở Việt Nam – Các thách thức và giải pháp”. Hội thảo này do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền, Trường Đại học Xây dựng và Hội Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp tổ chức.
Trong hơn hai thập kỷ qua, nhiều công trình xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm cấp bách ở Việt Nam. Mặc dù các chỉ tiêu về chất dinh dưỡng (N, P) đã được quy định trong các quy chuẩn môi trường hiện hành về xả nước thải đô thị và công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay hầu hết các các hệ thống xử lý không có công trình loại bỏ N, P nên trong nhiều trường hợp không đạt yêu cầu xả thải, gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư và giảm hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường. Tính đến cuối năm 2016, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trên cả nước mới xử lý được hơn 10% tổng lượng nước thải đô thị và khoảng 40% lượng nước thải công nghiệp. Điều này đang cho thấy việc xử lý N, P đang đứng trước nhiều khó khăn hạn chế.

Đứng trước những thách thức này, theo PGS. TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường cho rằng thời gian tới cần phải có nhận thức đúng đắn về tác hại của N,P khi không được xử lý phù hợp thải bỏ vào môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng hệ thái và sức khỏe cộng đồng. Đối với các nhà máy xử lý nước thải đã xây dựng mà vận hành xử lý N,P chưa đạt QCVN thì cần có giải pháp nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm thực tiễn để điều chỉnh vận hành, nâng cấp, cải tạo phù hợp cho xử lý N, P.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Phương Quý, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam cũng cho rằng việc xử lý N, P đạt các QCVN về bảo vệ môi trường là bắt buộc đối với các công trình xử lý nước thải. Nhận thức này phải có từ các cơ quan quản lý nhà nước, tư vấn cũng như các nhà thầu khi đầu tư, quản lý và vận hành các nhà máy xử lý nước thải. Đồng thời phải xây dựng và chia sẻ các thông tin, kết quả nghiên cứu về các hợp chất N, P và sự chuyển hóa của chúng để giúp các cơ quan quản lý xây dựng chương trình kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước.

Hội thảo lần này cũng là diễn đàn để các cơ quan quản lý, đơn vị quản lý vận hành các hệ thống xử lý nước thải cũng như các nhà khoa học từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu quả xử lý/thu hồi chất dinh dưỡng từ nước thải đô thị qua các giải pháp đổi mới công nghệ, thiết bị. Đây cũng là dịp các chuyên gia, cơ quan ban ngành liên quan chia sẻ kinh nghiệm trong thiết kế và vận hành cũng như việc tuân thủ nghiêm túc các quy chuẩn môi trường từ quá trình lựa chọn công nghệ, đầu tư, quản lý vận hành nhà máy xử lý nước thải hướng tới mục tiêu quản lý nước thải bền vững ở Việt Nam.

PGS. TS Trần Thị Việt Nga, giảng viên Khoa Kinh tế môi trường, Đại học Xây dựng đã chỉ ra rằng một trong những bất cập hiện nay đó là việc hầu hết các công nghệ xử lý nước thải chưa thực sự phù hợp. Chỉ tiêu N, P chưa được xem xét khi các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ xử lý và chủ yếu chú trọng loại bỏ các hợp chất hữu cơ có trong nước thải. Đơn cử như việc nhiều công trình thiết kế chưa đảm bảo quá trình nitrat hóa dược được thực hiện hiệu quả như hồ hiếu khí, bể lọc sinh học nhỏ giọt có thông gió tự nhiên.  Ngoài ra theo PGS. TS Trần Thị Việt Nga hiện nay hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong kiểm soát chất lượng nước còn nhiều bất cập và chưa thực sự phù hợp. Ngoài ra năng lực và trình độ của cán bộ kỹ thuật trong các khâu thiết kế, vận hành công trình thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn