Hôm nay: Thứ 5, 21/11/2024 20:16

22 Đại sứ quán, tổ chức quốc tế ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa 

22 Đại sứ quán, tổ chức quốc tế ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa 
Nhân Ngày Môi trường thế giới 2018, sáng 4/6, 22 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế đã cùng ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa. Dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
Chiến dịch vận động chống ô nhiễm chất thải nhựa, do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời, vận động thay đổi – ở cấp độ hành vi, thể chế và chính sách – giúp giảm chất thải nhựa tại Việt Nam. Lễ ký Quy tắc ứng xử là một điểm nhấn trong Chiến dịch vận động chống ô nhiễm nhựa, một chiến dịch chung của các đại sứ quán và đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa. Tất cả các tổ chức ký kết cũng nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.
Với hành động chung này, các cơ quan đối tác quốc tế tại Việt Nam mong muốn trở thành các tác nhân thúc đẩy việc giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của nó đối với con người, động vật và môi trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết: Năm 2018, với thông điệp “giải quyết ô nhiễm nhựa vì một Hà Nội Xanh”‘, thành phố Hà Nội đã phát động Tháng hành động vì môi trường trên phạm vi toàn thành phố. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người dân thủ đô trong 2 ngày (01 – 2/6/2018).
Là một trong hai thành phố lớn nhất Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số cao, thành phố Hà Nội cũng đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều dự án, công trình xử lý môi trường đã được chú trọng đầu tư trong thời gian qua nhưng chưa đáp ứng được tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình trọng điểm, tập trung vào các vấn đề về tiêu dùng tiết kiệm, bền vững, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng năng lượng, công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, thu gom rác thải điện tử và hạn chế sử dụng túi nilon, kiểm soát ô nhiễm không khí và nước, xây dựng nền kinh tế xanh thấp carbon, hướng đến một Hà Nội xanh và bền vững, khỏe mạnh và đáng sống.
“Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong việc khởi xướng sáng kiến cam kết thực hiện bộ quy tắc ứng xử về phòng chống ô nhiễm chất thải nhựa, một vấn đề bức bối toàn cầu và trong đó Việt Nam là một trong năm quốc gia có lượng chất thải lớn nhất. Đây được coi là sự tiên phong, là cam kết mạnh mẽ từ phía các tổ chức quốc tế và hi vọng sẽ được lan tỏa tới từng tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và Việt nam nói chung, để cùng chung tay hành động vì một thành phố khỏe mạnh và đáng sống, vì một Việt Nam xanh tươi và hòa bình. Thay mặt UBND thành phố Hà Nội, chúng tôi cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức triển khai hiệu quả bộ quy tắc ứng xử chống ô nhiễm chất thải nhựa. Các cơ quan chuyên môn của thành phố sẽ luôn sát cánh cùng các tổ chức, triển khai các dự án, chương trình hành động, xây dựng các hành lang pháp lý để giải quyết hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm môi trường, trong đó có chất thải nhựa” – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Trong những tháng vừa qua, 22 đại sứ quán và các đối tác quốc tế đã tích cực tham gia chiến dịch này với nhiều hoạt động cùng diễn ra. Một trong những hoạt động quan trọng khác của chiến dịch là các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo của Việt Nam để thảo luận các lựa chọn chính sách sẽ có ảnh hưởng tích cực lâu dài nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Ngoài ra, chiến dịch trực tuyến “Giảm thiểu rác thải nhựa” đã được phát động trên các nền tảng truyền thông xã hội của các tổ chức tham gia ký Quy tắc ứng xử, nhằm kêu gọi hành động chung của cộng đồng giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong cuộc sống hàng ngày và tại nơi làm việc.